Đạt 100% độ “tươi” trên Rotten Tomatoes và duy trì vị trí Top1 Netflix tại 90 quốc gia, sức hút của “bom tấn” Squid Game vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trên khắp các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, bên cạnh nội dung phim, nhà sản xuất cũng rất “chịu chơi” đầu tư quảng cáo, tiếp thị để góp phần đưa Squid Game trở nên “globally viral” như hiện nay.
Vậy dưới góc nhìn Marketing, NSX đã đem “Trò chơi con mực” tới gần hơn với công chúng bằng cách nào?
1. Trước khi quyết định xem nội dung, bộ nhận diện cần phải ấn tượng
Ở thị trường nội địa lẫn quốc tế, các ấn phẩm quảng bá như poster phim, logo đều nhấn mạnh và làm nổi bật 03 hình khối: vuông, tròn, tam giác. Kể cả trong phim, những hình này cũng được xuất hiện xuyên suốt, từ tấm thẻ mời người chơi, hay trên mặt nạ của các quản trò.
Dưới góc nhìn Marketing, sự xuất hiện dày đặc của “bộ ba” trên đã giúp Squid Game hình thành Brand Recall (Gợi nhớ thương hiệu) của khán giả thông qua việc liên tưởng. Để khơi gợi sự tò mò, NSX cũng không “bưng sẵn” ý nghĩa của các ký tự, mà để mọi người tự thảo luận và tìm ra thông điệp, khiến Squid Game trở nên bí ẩn, kích thích mong muốn “phải xem để hiểu” của khán giả.
2. Hệ thống màu sắc đối lập, gây ám ảnh
Tương tự như hình khối, màu sắc của Squid Game cũng được hệ thống hóa một cách có chủ đích, thể hiện rõ nhất ở trang phục trong phim. Màu hồng – xanh đối lập giữa quản trò và người chơi đã tạo hiệu ứng thị giác khá ám ảnh. Trong khi “hồng” được cho là thể hiện sự dễ thương, đầy sức sống thì vào Squid Game lại trở nên chết chóc, máu me đối với 456 người chơi. Cứ như vậy, mức độ nhận diện của bộ phim lại càng “in đậm” vào tâm trí người xem nhờ màu sắc nổi bật, mang nhiều tầng ý nghĩa.
3. Sân chơi hoành tráng ngoài đời thực
Để quảng bá cho bộ phim, NSX và Netflix đã chứng minh độ “chịu chơi” khi dựng hẳn không gian mô phỏng Squid Game tại nhà ga Itaewon, Seoul cho khán giả trải nghiệm ngoài đời thực. Dựng các trò chơi giống trong phim, có đủ cả nhân viên “áo hồng” với những những góc “sống ảo” độc đáo, rất nhiều người đã rất tò mò và tới tham quan, từ đó tạo thành trending trên Instagram với hàng ngàn lượt check-in tại ga Itaewon.
Để đem tới trải nghiệm chân thật nhất, người tham quan cũng được “bước vào bộ phim” bằng cách tham gia các trò chơi và nhận nhiều phần quà tương ứng (bộ trang phục xanh, búp bê,…). Bằng hình thức quảng cáo “bất ngờ” tại địa điểm công cộng này, người qua đường không chỉ tò mò, mà còn chia sẻ với những người xung quanh về sự xuất hiện của không gian mô phỏng, khiến cho Squid Game trở thành một chủ đề thảo luận, tạo được Marketing truyền miệng một cách tự nhiên. Ngoài ra, đội ngũ Squid Game cũng đã “tấn công” thị trường nước ngoài như mở cửa hàng pop-up merchandise tại Paris với nhiều người xếp hàng từ sớm.
____
Mức độ đầu tư thì chắc mình không cần bình luận nhiều, nhưng mình thấy đội ngũ luôn cố gắng để công chúng cảm thấy tò mò về bộ phim bằng cách “bỏ ngỏ” những thắc mắc. Công chúng sẽ liên tục đặt ra những câu hỏi như “Làm thế nào mà chơi trò trẻ con lại có thể chết người?”, hay “Hình vuông, tròn, tam giác là sao? Có ý nghĩa gì?”. Với những cách tiếp cận đó, khán giả không thể không mở Netflix mà ấn vào xem ngay “Mùa 1: Tập 1” và sẵn sàng lý giải những câu hỏi mở từ NSX.
Đó là những quan điểm của mình về sức hút của Squid Game dưới góc nhìn Marketing. Vậy còn các bạn thấy sao nhỉ? Có còn những ý đồ Marketing nào khác mà bộ phim đã tiếp cận tới khán giả không? Mọi người cùng chia sẻ ở comment nhé ^^