Vì Sao Sơn Tùng Bị Miệt Thị Giới Tính Và Câu Chuyện Định Kiến Giới

Trong đêm nhạc Diana Super Show được diễn ra vào ngày 18/12, Sơn Tùng xuất hiện với vẻ ngoài mới lạ và thu hút nhiều lời bàn tán của cư dân mạng. Một bộ phận cư dân mạng đã “buông lời” gắt gao về hình tượng mới này, thậm chí còn dùng những từ ngữ mang hàm ý miệt thị giới tính. Ví dụ như: “Ai rồi cũng trổ bóng”, “Tranh thủ sinh con trước khi bể bóng hay gì?”, “Hết gồng nổi rồi à anh ơi?”, “Nhìn không ra đàn ông hay đàn bà…”.
Có vẻ như cư dân mạng thường có phản ứng dữ dội khi nghệ sĩ nam ăn mặc phong cách mang hơi hướng nữ tính, còn với nghệ sĩ nữ khi mặc trang phục của nam giới thì lại nhận được sự cởi mở hơn. Trường hợp của Sơn Tùng chính là dẫn chứng gần nhất cho việc nam giới nói chung và nghệ sĩ nam nói riêng cũng là nạn nhân của định kiến giới.
Vì Sao Sơn Tùng Bị Miệt Thị Giới Tính Và Câu Chuyện Định Kiến Giới
Lý giải cho vấn đề này, Nhà Nhiều Cột chia sẻ:
“Nguồn gốc vấn đề vẫn nằm ở sự kì thị tính nữ: từ nữ thành nam sẽ là tiến bộ/mạnh mẽ nhưng từ nam thành nữ sẽ là thoái trào/suy yếu. Tính nữ luôn bị coi là thứ cấp và nhận về sự khinh miệt trong một cấu trúc xã hội trọng nam – nơi nam giới được đặt ở trung tâm và tính nam được đề cao coi trọng.
Cách nhìn của bộ phận cư dân mạng này chính là sản phẩm của xã hội phụ quyền. Lăng kính nhìn nhận sự vật/sự kiện của họ bị ảnh hưởng bởi tính giới và bất cứ điều gì xâm phạm đến “chuẩn mực tính nam” sẽ mặc nhiên không thể chấp nhận được.”
Bởi thế, nam giới bị đặt vào khuôn mẫu và phải tuân theo nhiều quy chuẩn khác nhau để chứng tỏ “sự đàn ông” của mình. Với sự phát triển của xã hội, định kiến ấy đã không còn phù hợp vì chúng ta đã cởi mở nhiều hơn, ngày càng nhiều người quan tâm về vấn đề bình đẳng giới. Chuyện đàn ông mặc váy hay đàn ông yêu nhau, điều đó hoàn toàn không nói lên rằng anh ta thiếu nam tính. Mà vốn dĩ thời trang không phận định giới tính, điển hình như Harry Styles, Billy Porter,… vẫn được hàng triệu người hâm mộ ủng hộ phong cách ăn mặc trên thảm đỏ khi diện trên mình những bộ cánh xóa tan ranh giới giữa trang phục nam và nữ. Xã hội càng phát triển thì chúng ta càng không nên áp đặt bất kỳ khuôn mẫu nào lên người khác khi chuẩn mức xã hội là do chính con người tạo ra và có thể thay đổi theo thời gian. Nghệ sĩ vốn là người chịu nhiều sự nhận xét từ dư luận, sẽ tốt hơn nếu chúng ta nói về chuyện họ phối đồ đã hợp lý hay chưa, thay vì việc dùng lời lẽ khó nghe nhằm mục đích miệt thị giới tính.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Bạn có ủng hộ với quan điểm của mình không? Nhớ chia sẻ suy nghĩ của mình dưới phần bình luận nha.
Nguồn: VietNam Booking KOLs