Vì Sao Thị Trường Chưa Có Đất Dụng Võ Cho Thơ Quảng Cáo?

Hiện nay tại Việt Nam, các thương hiệu như Biti’s Hunter, Chanel đã bắt nhịp với xu hướng làm thơ quảng cáo để truyền đạt thông điệp một cách truyền cảm và tinh tế. Tuy nhiên, hình thức này chưa thực sự được áp dụng phổ biến vì nhiều lý do.
Cùng mình tìm hiểu qua những chia sẻ từ anh Nam Thi – nhà thơ từng có cơ hội chắp bút cho các sản phẩm thơ quảng cáo của nhà mốt Chanel và Biti’s Hunter nhé! Hiện, anh Nam Thi còn đóng vai trò Cố vấn văn hóa (Cultural Advisor) trong các dự án sáng tạo như MV Đôi Khi (Suboi), Nam Quốc Sơn Hà (Erik),…

THƠ VẪN LÀ MỘT NGÁCH NHỎ TRONG NGÀNH TRUYỀN THÔNG, QUẢNG CÁO

THƠ VẪN LÀ MỘT NGÁCH NHỎ TRONG NGÀNH TRUYỀN THÔNG, QUẢNG CÁO

So với nhiếp ảnh, hội họa hay âm nhạc thì thơ vẫn là một ngách nhỏ trong ngành truyền thông, quảng cáo và chưa được khai thác đa dạng. Theo nhà thơ Nam Thi, điều này bắt nguồn từ ba nguyên do:
Thơ đòi hỏi sự tiếp nhận chủ động: Nếu như khán giả tiếp nhận các hình ảnh và video quảng cáo một cách thụ động thì thơ lại đòi hỏi khán giả phải chủ động tiếp nhận. Do đó, họ có quyền lựa chọn để đọc hoặc bỏ qua. Điều này cũng gắn liền với bản chất của thơ chỉ co cụm ở một nhóm đối tượng cụ thể – những người yêu thích ngôn từ, đề cao giá trị cảm xúc nên không có tính đại chúng.
Thơ thường bị nhầm lẫn với các hình thức nội dung đồng âm, vần điệu giống thơ trên mạng xã hội: Ngày nay, thơ được trau chuốt để ngắn gọn lại thành slogan và tagline nhưng cũng không thể mãi đánh đồng hai hình thức với nhau để bảo vệ tính nguyên bản của thơ” – Nam Thi cho biết.
Những rào cản giữa sáng tác thơ tự thân và cho nhãn hàng: Khi sáng tác tự thân, nhà thơ sẽ được thoải mái phô bày cảm xúc cá nhân nhưng khi làm việc với nhãn hàng đòi hỏi nhà thơ cần có sự giao thoa, đồng điệu để sáng tác thơ quảng cáo một cách tự nhiên mà vẫn giữ được giá trị bản thân.

CƠ HỘI NÀO CHO CÁC NHÀ THƠ LÀM QUẢNG CÁO?

CƠ HỘI NÀO CHO CÁC NHÀ THƠ LÀM QUẢNG CÁO

Tháng 6 vừa qua, Nam Thi đã có hội tham gia dự án thơ quảng cáo cho bộ sưu tập ​​Chanel Métiers D’Art. Với kinh nghiệm làm việc tại tạp chí thời trang L’Officiel, Nam Thi đã có nhiều dịp tiếp nhận nguồn cảm hứng sáng tạo đa sắc màu từ các nhà mốt lừng danh, bao gồm cả Chanel. Bên cạnh đó, anh cũng được mọi người biết đến với các hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực sáng tác với tác phẩm ấn tượng “Cô độc nên thơ”. Tất cả điều đó đã thuyết phục Chanel tin tưởng vào tố chất sáng tạo của Nam Thi, dẫn đến đề nghị hợp tác trong dự án thơ quảng cáo. Các bạn có thể xem video thơ quảng cáo tại đây: https://www.facebook.com/hothuanh.official/posts/843188753242407
Bên cạnh sản phẩm thơ cho thương hiệu Chanel, Nam Thi cũng từng tham gia sáng tác thơ và góp giọng trong quảng cáo “Cảm hứng tự hào từ những thái cực văn hoá Hà Nội” (phiên bản Director’s Cut) của Biti’s Hunter: https://youtu.be/4mSoLH8fMe0. Trong dự án này, Biti’s Hunter và đạo diễn Phương Vũ đã khéo léo đưa nghệ thuật đường phố, một phần của văn hoá thủ đô hôm nay, cộng với phần nội dung của Nam Thi nhằm tạo nên một góc nhìn khác lạ, thú vị và ấn tượng hơn về thành phố nghìn năm tuổi này.
Ở thời điểm hiện tại khi mọi thứ còn khá mới mẻ với thơ quảng cáo, Nam Thi kỳ vọng các thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp, hướng đến đối tượng khách hàng yêu nghệ thuật sẽ có thể đi đầu để lan tỏa giá trị thẩm mỹ ngôn từ qua các thông điệp bằng thơ như dự án của Chanel.

“NHÀ SÁNG TẠO NÊN CÓ THẾ MẠNH VỀ MỘT NỀN TẢNG KIẾN THỨC”

“NHÀ SÁNG TẠO NÊN CÓ THẾ MẠNH VỀ MỘT NỀN TẢNG KIẾN THỨC”

“Câu chuyện về điêu khắc gia Điềm Phùng Thị xuất thân từ lĩnh vực nha khoa, đến năm 40 tuổi bà mới thực hiện lý tưởng đưa nghệ thuật điêu khắc Việt Nam ra với quốc tế để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Trong lĩnh vực điêu khắc, thơ ca hay bất kỳ lĩnh vực sáng tạo nào, mọi người cũng cần tìm cho mình một nền kiến thức để dựa vào và phát triển. Không nhất thiết phải là nền tảng mang tính trừu tượng hay nghệ thuật, ngay cả những lĩnh vực những kỹ thuật, toán học, y khoa cũng có những cái hay riêng, thậm chí còn giúp ý tưởng sáng tạo thêm logic và trực quan hơn”.
Nam Thi nhận định, với thế mạnh về nền tảng kiến thức và niềm đam mê trong bất kỳ lĩnh vực nào, các nhà sáng tạo sẽ có thuận lợi trong việc khẳng định dấu ấn cá nhân. Bên cạnh đó, nhà sáng tạo còn cần phải luôn đặt câu hỏi “Tại sao” để thúc đẩy bản thân tìm hiểu và mang lại giá trị cho chính bản thân và mọi người.
Nguồn: Advertising Vn